NGÀY 5/5/1818, KARL MARX SINH RA TẠI TRIER, ĐỨC.

Marx sinh ra trong một gia đình trưởng giả, cha là luật sư và có tư tưởng cấp tiến, rộng rãi, cởi mở cả về học thức chính trị lẫn tôn giáo. Nhưng ông bố Marx tự do, phóng khoáng bao nhiêu thì mẹ Marx bảo thủ, chật hẹp bấy nhiêu, nhất là sau này khi thấy Marx đi vào con đường trái ngược với nếp sống và lý tưởng của tầng lớp bà. Sau này, khi Marx túng thiếu, bà nhẫn tâm để mặc Marx mà không hề giúp một xu nào.

Gia đình Marx là Do Thái nhưng lại chống đối truyền thống chật hẹp, giáo điều của đạo Do Thái và chủ trương một thái độ lãnh đạm trước mọi tôn giáo. Những điều đó cũng tác động đến Marx nên ngay từ nhỏ, Marx cũng dửng dưng trước các tôn giáo.

Marx tới trường năm 1830, học trung bình nhưng rất nghịch và hay làm thơ mỉa mai đả kích những kẻ thù trong nhà trường. Đó cũng là đặc tính ông giữ mãi trong suốt cuộc đời đấu tranh. Nhưng ngay từ nhỏ, Marx đã thể hiện những tư tưởng nhân bản. Như trong một bài luận, làm khi mới 16-17 tuổi, Marx viết "Lịch sử vẫn coi những vĩ nhân là những người tranh đấu cho hạnh phúc của mọi người. Kinh nghiệm cũng chỉ ra rằng những người hạnh phúc hơn cả là những người mang lại hạnh phúc cho người khác...Còn con người lý tưởng là con người biết hy sinh cho nhân loại". Có lẽ từ ngày đó, Marx đã ước muốn được cống hiến và hy sinh cho nhân loại.

NĂM 1835, MARX TỚI HỌC ĐẠI HỌC TẠI BONN, dù rất chăm chỉ nhưng Marx cũng gia nhập một vài tổ chức của sinh viên, như "Câu lạc bộ quán rượu" với mục đích du hí. Có lần Marx và bạn bè từng bị cảnh sát bắt vì uống rượu say và phá rối trật tự, và nhóm "Câu lạc bộ thi sĩ' vì ông thích thơ và thích những ý tưởng cách mạng. Marx không phải là người ngăn nắp, nhà ông như một kho lớn bụi bặm, đầy giấy tờ chồng chất lộn xộn. Marx thường ăn mặc xộc xệch, đi đi lại lại trong làn thuốc lá cay sè. Nhưng Marx là một học giả điềm tĩnh, chậm rãi, tỉ mỉ, cần cù và có lúc cầu toàn.

Thiên tài của Marx bộc lộ từ rất sớm. Năm 1837, khi mới 19 tuổi, Marx đã tham gia nhóm "Câu lạc bộ các tiến sĩ", qui tụ nhiều sinh viên, trí thức, đa phần đều nhiều tuổi hơn. Hàng ngày, họ thường họp tại nhà một người trong nhóm hay các quán cạnh trường học. Ngày 30/3/1841, Marx được Đại học Berlin cấp chứng chỉ tốt nghiệp. Ngày 6/4/1841, Marx gửi luận án tiến sĩ "Sự khác biệt giữa triết học và bản chất của Democrite ( ) và Epicurus ( )". Một vài tuần sau Marx bảo vệ thành công, khi ấy Marx mới 23 tuổi.

NĂM 1843, MARX TỚI PARIS, PHÁP

Khi còn đi học, Marx đã mơ được dạy ở Berlin hay ở Bonn, nhưng rồi không thực hiện được. sau đó, Marx quay sang làm báo, lúc đầu chỉ là cộng tác nhưng sau làm chủ bút và là linh hồn của tờ Rheinische Zeitung, xuất bản ở Cologne từ 1/1/1842. Sự thông minh, chính trực và thiên tài đã đưa Marx lên địa vị lãnh đạo dù Marx trẻ hơn nhiều đồng chí của mình. Hess, chủ bút tờ Rheinische Zeitung đã từng ca ngợi rằng Marx la "nhà triết học hiện đại lớn nhất và có lẽ đích thực nhất...vừa có một bộ óc mỉa mai, vừa có một trí tuệ triết học sâu sắc tột độ. Anh hãy tưởng tượng Rousseau, Voltaire, Holbach, Lessing, Heine và Hegel hòa đồng vào một người. Đó là tiến sĩ họ Marx".

Tờ báo bán rất chạy nhưng vì đả kích nhà vua và đả kích Sa Hoàng nên bị đình bản. Sau đó, Marx sang Thụy sĩ dựng ra một tờ báo lấy tên "Tập san Pháp-Đức", hy vọng kết hợp ý tưởng của khối óc Đức và tinh thần cách mạng Pháp. Nhưng số đầu tiên cũng là số cuối cùng. Sau khi hợp tác với một tờ khác cũng thất bại, Marx bị trục xuất khỏi Paris.

NGÀY 5/2/1845, MARX ĐẾN BRUSSELES, BỈ.

Tình bạn với Engels là điều thực sự có ý nghĩa và quan trọng trong cuộc sống và sự nghiệp của Marx. Suốt cuộc đời đấu tranh và hoạt động Marx gặp và quen nhiều người nhưng không ai thân thiết và trung thành như Engels. Từ khi gặp nhau cho đến khi nhắm mắt, trong những thử thách sóng gió của cuộc đấu tranh cũng như những giờ phút thất bại, lưu đày và cùng cực, hai người không bao giờ bỏ nhau. Engels không những là người đồng chí có điều kiện nhất để nâng đỡ gia đình Marx trong những ngày túng bấn ở London mà còn cộng tác chặt chẽ trong quá trình xây dựng chủ nghĩa Marx. Một tình bạn gần 40 năm trời với thư từ trao đổi giữa hai người gồm 9 tập, mỗi tập gần 300 trang.

Tháng 6/1847, hội nhóm ở London tổ chức lại và đổi tên thành 'Hội những người Cộng sản', Marx và Engels đề nghị sửa khẩu hiệu thành "Người vô sản ở mọi xứ hãy đoàn kết lại!". Cuối năm đó, Marx được hội giao nhiệm vụ viết lời tuyên ngôn. Đầu năm 1848, Marx soạn xong và gửi cho Trung ương. Đó chính là bản Tuyên ngôn Cộng sản nổi tiếng: "Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu: bóng ma của chủ nghĩa Cộng sản!..." Năm đó Marx mới tròn 30 tuổi. NĂM 1848, MARX QUAY VỀ COLOGNE, ĐỨC.

Marx không chỉ nổi tiếng vì sự thiên tài mà còn vì sự chính trực của Marx. bất cứ khi nào thấy những người đồng chí đi ngược lại mục tiêu chung, hoặc có những hành động phi cách mạng, Marx dều chống lại. Marx chống khuynh hướng “không tưởng” phác họa những viễn cảnh đẹp đẽ nhưng không thể thực hiện được, vừa chống lại khuynh hướng “hiếu động” theo tình cảm hay quá duy lý mà không dựa vào những phân tích chính xác. Đã có lần Marx nói “Tôi không phải là người Mác xít”, để chống lại giáo điều cứng nhắc, câu nệ một cách máy móc. Đảng cộng sản là cần thiết nhưng không nên coi đảng như một đàn cừu chỉ biết vâng theo một lãnh tụ cách biệt, dù là tài ba, nổi tiếng, hoặc ngược lại bình dân quá mức để quần chúng coi thường.

Vào thời gian đầu của sự nghiệp cách mạng, khi còn ở Bruxelles, có một thợ máy người Đức tên là Weitling đến thăm ông. Weitling là người dạn dày của phong trào công nhân; chân còn mang sẹo của xiềng xích ở các nhà tù Phổ, và có một thành tựu đầy vinh quang chiến đấu vì lợi ích của công nhân Đức. Weitling đến để nói với Marx về những vấn đề như công lý, tình anh em và đoàn kết nhưng Weitling đáng thương, bối rối trước các câu hỏi về nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội. Marx bực dọc đi lại trong phòng, đạp xuống bán mạnh đến nỗi cây đèn suýt đổ và quát "Sự ngu dốt không bao giờ giúp ai hết!"

NĂM 1850, MARX ĐẾN LONDON, ANH, VÀ SỐNG TẠI ĐÂY ĐẾN LÚC MÂT NĂM 1883.

Nhưng trên hết mọi thứ xảy ra, Marx sống rất nghèo khổ. Hầu như suốt cuộc đời, ông sống một cuộc đời ít sự kiện ở London, vùi đầu vào những cuốn sách trong thư viện, viết sách và viết báo. Nhưng tất cả những thứ đó không nuôi nổi Marx và gia đình. Ông và gia đình sống được hoàn toàn nhờ vào Engels. Trong một bức thư gửi bạn bè, Jenny viết rằng bất chấp mọi cay đắng, cực khổ và thiếu thốn "...Nhưng chồng tôi lại nghĩ khác. Cả trong những lúc rất khốn cực, chưa bao giờ, anh ấy thất vọng về tương lai mà luôn luôn giữ vững vẻ vui đùa".

Năm 1854, gia đình Marx dọn đến khu Soho, khu bình dân nghèo khổ nhất. Năm đó, dịch tả tàn phá cả khu phố Soho và cướp đi ba người con của ông. Những dự định xuất bản không thành công vì không NXB nào dám in những cuốn sách như vậy, còn những cuốn về phong trào cộng sản thì chẳng nhận được xu nào vì đó là viết cho Đảng! Trong thư gửi Engels khi Jenny và con bị ốm, Marx viết "Tôi vẫn chưa đến bác sĩ vì không còn tiền. từ 8 đến 10 ngày nay, tôi nuôi cả nhà bằng bánh và khoai lang. Và hôm nay, tôi tự hỏi không biết còn kiếm được gì nữa hay không?".

Năm 1855, Marx mất đứa con nhỏ nhất khi mới được 4 tháng. Từ năm 1860 đến 1863 có lẽ là những năm tháng cơ cực nhất của ông. Mọi sự chỉ trông chờ vào Engels, có được đồng tiền nào đều gửi hết cho Marx. Mùa hè 1862, Marx thử lần cuối cùng, gửi thư xin tiền (không biết xin ai nhỉ?) nhưng bà nhất định từ chối. Cùng cực quá, Marx làm đơn xin một chân thư ký đường sắt nhưng bị từ chối vì chữ xấu quá. Nhưng bất chấp tất cả những cùng cực đó, Marx vẫn không quên công trình vĩ đại nhất của mình. Tháng 3/1867, tập đầu tiên trong bộ "TƯ BẢN" hoàn tất và in xong.

Lý tưởng Marx là phục vụ nhân loại, đó là nguyên nhân mọi cơ cực lầm than của đời Marx nhưng cũng là lẽ sống của cuộc đời ông!

Trích từ:
NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ CUỘC ĐỜI KARL MARX. Nguyễn Cảnh Bình, Tháng 7/2002.

Nhiều năm qua, sau sự sụp đổ của phong trào cộng sản thế giới, dường như những nghiên cứu về Marx, người sáng lập Quốc tế Cộng sản thế giới ít được mọi người quan tâm. Rất nhiều người nói về Marx, nói về tư tưởng và tác phẩm của Marx nhưng rất ít người thực sự biết về con người và cuộc đời của Marx. Bài viết này chỉ hy vọng mang lại cho bạn đọc một vài nét về tính cách và cuộc đời của ông. Một người rất thiên tài, rất chính trực và biết hy sinh, nhưng cũng rất lãng mạn.